Trong những năm gần đây, trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Vụ việc gần đây nhất, ngày 25/8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương nhận được 02 đơn trình báo về việc công dân Việt Nam bị một số đối tượng bắt giữ, đòi tiền chuộc thuộc địa phận nước Campuchia.
Chị N.T.D (trú tại phường Chí Minh, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) trình báo nội dung: ngày 23/8/2023, chồng chị là anh H.V.M (sinh năm 1984) gọi điện cho chị nói sẽ vào TP Hồ Chí Minh để vượt biên sang Campuchia, sau đó sang Đài Loan để lao động bất hợp pháp. Đến tối ngày 24/8/2023, chị D không liên lạc được với chồng. Khoảng 18 giờ ngày 25/8/2023, chị D nhận được điện thoại từ tài khoản Zalo của anh M nhưng người nói chuyện với chị là người lạ, yêu cầu chị nếu muốn cứu anh M thì phải chuyển 500 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, nếu trong vòng một tiếng không chuyển tiền sẽ phải mang xác chồng về. Sau đó, người này gửi nhiều hình ảnh, video anh M bị đánh đập, hành hạ dã man để thúc ép chị chuyển tiền.
Chị K.T.T (trú tại phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) trình báo nội dung: Khoảng 12 giờ ngày 24/8/2023, chồng chị T là anh N.V.T (sinh năm 1982) nói với vợ muốn vượt biên đi Đài Loan lao động bất hợp pháp. Sau đó anh T tự bắt xe khách đi Hà Nội rồi bay vào TP Hồ Chí Minh mục đích vượt biên sang Campuchia, sau đó sẽ sang Đài Loan. Khoảng 14 giờ ngày 25/8/2023, anh T gọi điện cho chị T thông báo đã sang Campuchia. Đến khoảng 16h20’ ngày 25/8/2023, chị T nhận được cuộc gọi video qua ứng dụng Messenger từ tài khoản của anh T, người gọi điện đe dọa chị T nếu muốn chuộc chồng thì phải chuẩn bị 300 triệu đồng gửi cho chúng, đồng thời quay hình ảnh anh T bị trói chân tay, đánh đập, bị chích điện dã man.
Chị D và chị T đều có chung nguyện vọng đề nghị cơ quan Công an giải cứu cho chồng mình.
Qua xác minh, lực lượng Công an xác định: có 04 người đi cùng anh N.V.T đến cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang (trong đó có anh H.V. M) với mục đích vượt biên sang Campuchia, sau đó sang Đài Loan lao động bất hợp pháp. Chiều ngày 25/8/2023, nhóm anh T được 06 người đi xe máy đến đón, đưa qua biên giới sang Campuchia, sau đó đưa vào 01 ngôi nhà và bắt trói, đánh đập, tống tiền người nhà ở Việt Nam. Rạng sáng ngày 26/8/2023, lợi dụng sơ hở của các đối tượng, anh T cùng 03 người khác đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, bơi qua sông về Việt Nam, sau đó được bộ đội Đồn biên phòng Long Bình đưa về trụ sở. Khi lực lượng Công an Việt Nam cùng lực lượng chức năng Campuchia đột kích vào ngôi nhà bắt giữ nhóm 06 người trên thì phát hiện anh M đã tử vong.
Từ vụ việc trên có thể thấy, bọn tội phạm mua bán người rất liều lĩnh và manh động. Chúng thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người như: giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; nhận con nuôi, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch... Đối tượng tội phạm mua bán người hướng tới có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân.
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người thường là: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao; núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài; hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để giúp đỡ họ về tiền bạc, sau đó đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc vào chúng; làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng sơ hở của họ để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán…
Hậu quả mà tội phạm mua bán người gây ra vô cùng nghiêm trọng. Nạn nhân của những kẻ buôn người bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn gây thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; bị cưỡng bức, bóc lột tình dục, có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS; bị tước mất quyền công dân và quyền con người; tinh thần bị khủng hoảng, suy sụp, sợ hãi; mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành kẻ buôn bán người… Gia đình các nạn nhân thì sống trong lo âu, tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân; hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Thậm chí người thân đi tìm người nhà dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm mua bán người.
Không chỉ gây hậu quả trực tiếp đối với nạn nhân và gia đình của họ, hệ lụy của tội phạm mua bán người còn ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự địa phương; gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, đồng thời tăng gánh nặng kinh tế cho địa phương trong việc giải quyết hậu quả của nạn buôn người.
Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người và phòng ngừa, ngăn chặn nạn buôn bán người, cơ quan Công an khuyến cáo người dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác, nhất là đối với những người không quen biết. Không được tự ý bỏ nhà theo người khác mà không thông báo cho gia đình. Cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc; tuyệt đối không tin vào những lời hứa hẹn, quảng cáo “việc nhẹ lương cao”; cần nắm rõ địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền địa phương công nhận.
Nguồn: Phương Thuỳ
Hôm nay: 1401
Tổng lượng truy cập: 13388657