Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Trước những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặc biệt Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người; tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay (chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán); nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện (chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản...; đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này. Từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế cũng như phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều (tăng 08 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 09 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều, bỏ 01 điều. Nội dung cơ bản cụ thể như sau:
Chương I: Những quy định chung
Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này giữ nguyên số điều, sửa đổi, bổ sung 06 điều, gồm các nội dung chính sau:
- Sửa đối, bổ sung quy định về "Phạm vi điều chỉnh" tại Điều 1; việc sửa đổi nội dung của Điều này để phù hợp với bố cục, nội dung được quy định trong dự thảo Luật.
- Bổ sung giải thích từ ngữ về “mua bán người", “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân", “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân" và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật. Việc bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật, phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như xác định rõ địa vị pháp lý của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và cụ thể hóa nhóm chính sách quy định về chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
- Sửa đổi giải thích từ ngữ về “nạn nhân”, “bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động”; việc sửa đổi này tạo sự thống nhất trong cách hiểu trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật về mua bán người.
- Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bổ sung các hành vi: (1) Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người; (2) Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; (3) Lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi mua bán người; (4) Vi phạm quy định của pháp luật và quy định của Luật này khi tham gia công tác phòng, chống mua bán người. Việc bổ sung này bảo đảm đầy đủ, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua và đáp ứng yêu cầu của công tác này trong thời gian tới.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán ngưới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, bổ sung các nguyên tắc quan trọng như: (1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, pháp luật, tập quán quốc tế; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, thỏa thuận, điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia; (2) Lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; (3) Bảo đảm bình đẳng giới; (4) Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhận được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ, pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ; đồng thời, bổ sung các chính sách: (1) Bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nan nhân bị mua bán; (2) Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quyền từ chối biện pháp bảo vệ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng và tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người. Việc bổ sung này để hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.
Chương II, III: Về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người
Các chương này quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; tư vấn về phòng ngừa mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự, quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người; tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm; phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra; phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; xử lý vi phạm.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, các chương này bổ sung 02 điều, gồm 01 điều (Điều 11) quy định về kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh và 01 điều (Điều 12) quy định về trao đổi thông tin để kiểm soát xuất nhập cảnh; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 15 điều nhằm hoàn thiện các quy định nhằm phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở, nâng cao công tác phòng ngừa mua bán người và phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Chương IV: Về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân
Chương này quy định về tiếp nhận, xác minh nạn nhân đến trình báo; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về; tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; căn cứ để xác định nạn nhân; giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đối tượng bảo vệ; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 01 mục, 03 điều và sửa đổi, bổ sung 08 điều; cụ thể như sau:
- Bổ sung 01 điều (Điều 28) quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài với nội dung cụ thể: (1) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người là nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do chính họ, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau: Trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ; trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy xác nhận nạn nhân, cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định; (2) Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước; (3) Trường hợp thỏa thuận quốc tế có quy định về việc trao đổi thông tin trực tiếp, hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước thì thực hiện theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế đó.
- Bổ sung 01 điều (Điều 30) quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam với nội dung cụ thể: (1) Khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu. Trường hợp họ đã được giải cứu hoặc khai báo là bị mua bán tự trình báo thì Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi giải cứu nạn nhân hoặc cơ quan Công an (cấp xã, huyện, tỉnh) nơi tiếp nhận người khai báo là bị mua bán thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho họ nếu thấy cần thiết và chuyển ngay họ đến Cơ quan quản lý Nhà nước về Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi họ được giải cứu hoặc nơi gần nhất họ khai báo về việc bị mua bán. Khi có đủ căn cứ xác định người được giải cứu, người tự trình báo là nạn nhân thì cơ quan giải cứu, cơ quan tiếp nhận trình báo cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán theo thẩm quyền trước khi chuyển giao; (2) Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện sau khi tiếp nhận người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tiến hành hỗ trợ theo quy định và thông báo cho Cơ quan quản lý Nhà nước về ngoại vụ cấp tỉnh, Cơ quan quản lý nhà nước về Xuất nhập cảnh cấp tỉnh thực hiện các công việc để trao trả về nước mà họ là công dân hoặc thường trú; (3) Cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về các vấn đề để đưa nạn nhân về nước, sau đó thông báo bằng văn bản và chuyển giấy tờ xuất, nhập cảnh của nạn nhân cho Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an: (4) Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện cấp thị thực, chứng nhận tạm trú cho nạn nhân, thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi đang lưu giữ nạn nhân; Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh; các tổ chức quốc tế (nếu có liên quan) để phối hợp đưa nạn nhân về nước; (5) Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi lưu giữ nạn nhân chỉ đạo cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân đưa nạn nhân tới cửa khẩu và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc đưa nạn nhân về nước.
- Bổ sung 01 điều (Điều 34) về đối tượng bảo vệ gồm: (1) Nạn nhân; (2) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; (3) Người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về; căn cứ để xác định nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng.
Trong đó, tại Điều 31 dự thảo Luật quy định về căn cứ xác định nạn nhân, đã sửa đổi, bổ sung căn cứ để xác định nạn nhân bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên; bổ sung quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân và một số căn cứ khác để xác định nạn nhân đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Điều 35) theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và quy định về một số biện pháp bảo vệ (bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật) đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không thuộc trường hợp họ là người tố cáo theo pháp luật về tố cáo, người tham gia tố tụng hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tố cáo.
Chương V: Về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân
Chương này quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ; cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 01 điều về hỗ trợ chi phí phiên dịch (Điều 44) nếu nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không biết, hiểu tiếng Việt; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 09 điều; cụ thể như sau:
Sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: (1) Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; (2) Hỗ trợ y tế; (3) Hỗ trợ tâm lý; (4) Trợ giúp pháp lý; (5) Hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân. Đồng thời, nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 theo hướng: (1) Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ); (2) Cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; (3)Được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày; (4) Được trợ giúp pháp lý; (5) Khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; (6) Khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; (7) Nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; (8)Được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập trong thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Chương VI: Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người
Chương này quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của các bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ y tế, Bộ ngoại giao; Bộ tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 02 điều; trong đó 01 điều (Điều 47) về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người (Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống mua bán người; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực hiện công tác thống kê về phòng, chống mua bán người; đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống mua bán người; khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống mua bán người; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người); 01 điều (Điều 58) quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc tham mưu, đề xuất bố trí, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời, Chương này sửa đổi, bổ sung 10 điều.
Việc sửa đổi, bổ sung này bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.
Chương VII: Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người
Chương này quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân; tương trợ tư pháp.
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 03 điều (Điều 61, Điều 62 và Điều 63) về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.
Chương VIII: Về điều khoản thi hành
Chương này bổ sung 01 điều (Điều 65) về bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và sửa đổi, bổ sung quy định về “Hiệu lực thi hành” tại Điều 66 và bỏ Điều quy định về hướng dẫn thi hành (Điều 58 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011).
File đính kèm:
Nguồn: Vũ Oanh
Hôm nay: 603
Tổng lượng truy cập: 14020392